Bàn phím cơ trên thị trường hiện tại có rất nhiều cỡ, keycap lại có nhiều profile với kích thước từng phím không giống nhau. Theo đó một số bàn phím có phím ký tự nhỏ hơn, phím cách dài ra, nút Enter nhiều khi cũng độc lạ, phím xóa lùi chia nhỏ. Nói chung là biến hóa đủ đường. Việc chọn keycap sao cho đúng cỡ, đảm bảo về nhà ráp vừa khít với bàn phím cần tùy chỉnh xem ra lại càng khó khăn hơn.
Bạn sẽ cần kiểm tra layout của bàn phím lại một lần nữa cho chính xác, ghi chú lại kích cỡ của các phím đặc biệt như dấu cách, shift, backspace, enter và các phím hàng dưới, phím Ctrl, Alt, Win và Fn. Đây là các phím thường có sự biến đổi về kích cỡ hình dáng nhiều hơn các phím căn bản khác.
Trong nội dung bài chia sẻ này, gửi đến các bạn Cách chọn keycap: Làm sao tìm được bộ keycap đúng kích cỡ, đảm bảo vừa in khin khít với bàn phím cơ ở nhà?
ĐƠN VỊ ĐO KEYCAP: UNIT
Để biết được mỗi keycap trên bàn phím của bạn đang có kích thước bao nhiêu, chúng ta cần biết quy cách cả thị trường dùng để đo keycap. Giống như đơn vị đo lường chuẩn của chất lỏng là lít, đơn vị đo trọng lượng là ký lô. Thì với keycap, đơn vị chuẩn là Unit, 1u là kích cỡ chuẩn của một đơn vị keycap thông thường.
1U = 1 PHÍM CHỮ HOẶC MỘT PHÍM SỐ THÔNG THƯỜNG
Như vậy 2u có nghĩa là một phím có kích cỡ gấp đôi phím bình thường. Cũng khá dễ hiểu. Nhưng không phải lúc nào nó cũng tròn số như vậy. Tìm hiểu kỹ về keycap bạn sẽ bắt gặp các kiểu kích cỡ kiểu 6,25u. Trong trường hợp này là các keycap dài bằng 6 keycap bình thường cộng thêm 1/4 chiều dài phím.
BÀN PHÍM CƠ BẠN ĐANG DÙNG CÓ THUỘC LAYOUT CHUẨN KHÔNG?
Muốn kiểm tra một bộ keycap có vừa khít với bàn phím cơ đang dùng hay không, bạn cần xem kỹ coi bàn phím của mình có bố cục tiêu chuẩn không. Nếu không thì lựa chọn sẽ khó khăn hơn đó.
Bàn phím cơ có layout tiêu chuẩn nghĩa là gì? Nghĩa là kích thước của bàn phím THỨ NHẤT PHẢI thuộc 1 trong 3 nhóm sau: fullsize 100%, tenkeyless (không có cụm phím số bên tay phải) hoặc là cỡ compact 60%.
Tiêu chí thứ hai để một bàn phím layout tiêu chuẩn sẽ nằm ở KÍCH THƯỚC HÀNG PHÍM DƯỚI CÙNG. Nếu là layout tiêu chuẩn, các phím hàng dưới cùng này là 1,25u với các phím thường và phím cách sẽ là 6,25u.
Có một số bàn phím cơ fullsize của các thương hiệu Razer, Logitech và Corsair vẫn là kích cỡ fullsize (nghĩa là thỏa tiêu chí thứ nhất), nhưng các phím hàng dưới cùng lại không theo kích cỡ chuẩn (tiêu chí thứ hai không thỏa). Như vậy các bàn phím cơ này vẫn không được gọi là có layout tiêu chuẩn; nghĩa là khi chơi keycap bạn sẽ vẫn cần cân nhắc kỹ và mua các keycap có kích thước đặc biệt để dùng.
Cách đơn giản chính xác và trực quan hơn, bạn có thể in ra THƯỚC ĐO KÍCH CỠ PHÍM TIÊU CHUẨN trong hình minh họa (chỉ là minh họa nha các bạn) dưới đây để áp lên phím của mình xem có sự chênh lệch nào về kích cỡ không.
Một số bàn phím cơ đạt layout tiêu chuẩn dễ thay keycap gồm: Filco Majestouch/ Majestouch Convertible 2, Razer Huntsman TE, Ducky One 2 Mini, Anne Pro 2, Durgod Taurus K320 TKL, HyperX Alloy Origins Core, Keychron K8, Kemove Snowfox / Shadow, Drop CTRL…
BÀN PHÍM CƠ LAYOUT CHUẨN CÓ KÍCH CỠ CÁC PHÍM THẾ NÀO?
- Shift phải: 2,75u
- Enter: 2,25u
- Backspace: 2u
- Bàn phím số (0, +, Enter): 2u
CÒN BÀN PHÍM CƠ BỐ CỤC KHÔNG TIÊU CHUẨN THÌ SAO?
So với bàn phím layout chuẩn thì layout không chuẩn ngày càng nhiều hơn trên thị trường nhất là khi phong trào mod, custom phím cơ trở nên rộng rãi hơn.
Như trường hợp các bàn phím Razer (không phải dòng Huntsman) có các phím modifier trong khoảng 1-1,5u còn phím space là 6u. Cosair và Logitech còn có thêm một số phím modifier 1,25u và có một phím space 6,5u. Chưa kể các dòng bàn phím cỡ khác nhau lại có các biến thể kích thước phím khác nhau.
Vì vậy nếu đang có trong tay một bàn phím layout không tiêu chuẩn, bạn cần thận trọng khi mua keycap từ các thương hiệu khác. Có khi phải ngồi xem kỹ kích thước và chiều cao từng phím một, kỹ tới vậy.
TRƯỜNG HỢP BẠN ĐANG DÙNG MỘT BÀN PHÍM KÍCH CỠ ĐỘC KIỂU 65%, 75% và 96%
Các bàn phím cơ cỡ này thường có xu hướng dịch chuyển sang phải ít hơn để chừa nhiều chỗ cho cụm mũi tên. Các bố cục này chắc chắn sẽ yêu cầu dùng bộ keycap kích cỡ khác nhau không phải tiêu chuẩn. Ngoài ra một số phím nằm trên các hàng khác nhau có độ cao chênh khác nhau do profile độc lạ đi kèm. Nên khi chọn keycap bạn vừa phải cân nhắc kích cỡ vừa phải xem xét đến yếu tố profile keycap.
GIẢI PHÁP
bạn nên đọc kỹ sách hướng dẫn của bàn phím hoặc tra trên website hãng để có bản đồ keycap cụ thể và tên profile hãng đang dùng cho mẫu này. Đây chính là cơ sở giúp tìm ra các keycap phù hợp để thay thế một vài phím hoặc cả bàn phím.
NẾU BẠN ĐANG DÙNG BÀN PHÍM CƠ CÔNG THÁI HỌC
Bàn phím công thái học là lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn gõ tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho sức khỏe dài lâu. Nhưng rất nhiều bàn phím Ergo này có bố cục hơi bị quái. Như bạn đã từng thấy qua các mẫu từ Alice, ErgoDox, Corne, X-Bows, chúng có kiểu chia mô đun phím thành 2 bên, mỗi bên có chứa các chức năng khác nhau.
Nghĩa là nếu muốn thay keycap cho các bàn phím này, bạn sẽ phải đặt mua keycap với các kích cỡ duy nhất độc đáo nào, bạn thường sẽ phải đưa ra yêu cầu cụ thể kích cỡ của từng phím luôn ấy thì mới mong ráp vào vừa khớp với con phím của mình. Chú ý là có những phím như phím Shift chẳng hạn có cả ở 2 bên bàn phím, nhưng hình dáng và có khi cả kích thước của Shift trái lại khác shift phải. Bạn cần xem kỹ điểm này khi mua.
YẾU TỐ CẦN XEM XÉT TIẾP THEO KHI MUA KEYCAP: BỐ CỤC NGÔN NGỮ ĐANG DÙNG LÀ GÌ
ANSI, ISO, JIS là 2 bố cục ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay. hai bố cục này chủ yếu khác nhau nhiều nhất ở phím Enter và khoảng trống giữa các phím. Các bàn phím có bố cục ngôn ngữ khác nhau cũng cần keycap khác nhau cho các phím đặc biệt.
CÁCH MUA KEYCAP AN TOÀN ĐẢM BẢO ĐÚNG KÍCH CỠ
Cách 1 – mua keycap của cùng hãng bàn phím bạn đang dùng. như Filco, Glorious, Logitech có các mẫu bàn phím cũng khá đa dạng dành riêng cho bàn phím cơ của hãng mình. Chỉ cần xem độ tương thích ban đầu trong mô tả chung sản phẩm là bạn đã có thể chắc chắn mang về vừa khít với mẫu đang dùng ở nhà. Chưa kể cùng một hãng nên sẽ đạt độ tương đồng, ổn định cao về chất liệu lẫn phong cách
Cách 2 – làm mọi thứ theo khoa học. Dùng thước đo chuẩn để đo kích cỡ từng phím hoặc download bản đồ layout kích cỡ bàn phím mình đang dùng từ web xuống. Mua từng phím hoặc theo từng hàng, mix match một vài bộ keycap lại với nhau để có được đúng kích cỡ muốn tìm… Bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức, tiền bạc nữa cho cách này đấy nhưng nếu dân chơi không sợ mưa rơi, đây cũng là một phần của niềm hạnh phúc khi custom keyboard.
Cách 3 – nhờ đến chuyên gia nếu đang đụng phải bàn phím quá khó nhằn như bàn phím cơ công thái học chẳng hạn. mang thẳng con phím ra cửa hàng hoặc chụp hình gửi cho nơi bán để nhờ tư vấn thêm. Bằng cách này hơi tốn thời gian chờ nhưng đổi lại bạn sẽ mua được keycap chính xác cho mẫu bàn phím độc lạ của mình.
Nguồn: banphimco.com
Comments (0)